THƠ TỰ DO VÀ LỤC BÁT HOÀNG CẦM
Ths Nguyễn Trình
Chuyên
viên Phòng GD& ĐT Hướng Hóa
Hoàng Cầm là thi sĩ phong tình lãng
mạn. Tiếp nối truyền thống sáng tác của phong trào Thơ Mới ông kế thừa và mở
rộng khả năng phản ánh của các thể loại thơ ca làm đa dạng hóa hình thức thơ
trữ trình Việt Nam
hiện đại.
Do điều kiện không cho phép, bài
viết này chỉ tập trung nghiên cứu, phân tích thể loại chủ âm của ông là thơ tự do và thơ lục bát.
1.
Thể thơ tự do:
Thơ tự do Hoàng Cầm viết theo một lối
riêng và hiện đại. Dưới ngòi bút tài hoa của ông thể thơ này có sự trương nở
về biên độ phản ánh và cấu trúc hóa nhạc điệu câu thơ. Hình thức thơ biến hóa
linh hoạt, câu thơ uốn lượn một cách thoải mái theo cơn bão cảm xúc của tâm
hồn, nhịp rung của trái tim. Nhà thơ tốc kí trọn vẹn những xao động của tâm
linh rồi thăng hoa:
- “Gió quê vi vút
gọi
… Diêu Bông hỡi
… ới Diêu Bông”.
- “Em mười
hai tuổi tìm theo chị
Qua cầu Bà
sấm bến Cô mưa
Đi…
Ngày tháng lụi
tìm không thấy”.
|

|
Thi sĩ Hoàng Cầm có tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22 tháng 2
năm 1922,
tại xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên,
tỉnh Bắc Giang; quê gốc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Tác phẩm:
Những bài thơ lẻ (1941-1980); Tiếng hát quan
họ (1965); Về Kinh Bắc (1959 – 1960); Mưa Thuận Thành, Lá diêu bông, Tình
khúc, Đến từ hư không (1995 – 2000).
|
Thi sĩ Hoàng
Cầm như chắt lấy những tinh túy của tâm hồn để viết nên những bài thơ hay và
đẹp về tình yêu và thân phận kiếp người nổi trôi giữa cuộc bể dâu.
Về Kinh Bắc là tập thơ nổi tiếng của ông và của nền thơ ca Việt Nam
hiện đại. Tập thơ gồm có 48 bài thơ tự do. Câu thơ tự do dài ngắn xen kẽ lẫn
nhau và uốn lượn rất độc đáo.
Tiếp nối phong trào Thơ Mới Hoàng Cầm tiếp tục đổi mới
hình thức thơ trữ tình Việt Nam
hiện đại.
So sánh hình
thức thơ tự do Hoàng Cầm với thơ tự do trong phong trào Thơ Mới thì có những
cách tân khác biệt: câu thơ của ông có sự
giãn nở đến cực đại để phản ánh đời sống hiện thực khách quan mà vẫn không
giảm chất trữ tình đằm thắm và lãng mạn.
Nếu thi sĩ Mộng Sơn thuộc nhóm Tao Đàn Bạch Nga của
thời kì Thơ Mới viết những câu thơ 12 chữ mang âm hưởng nặng nề, tiết tấu chập
chạp như:
“Tôi đến đây,
Lữ khách ơi lòng quạnh hiu như bóng xế
Tôi sẽ còn đến
đây với những cành hoa đượm lệ
Để tôi nghe khóc hồn anh lâm ly
suối chảy bên đồi
Để tôi nghe
khóc hồn anh những giọt suối lòng tôi”.
(Viếng mồ Lữ khách)
Trái lại, câu thơ tự do Hoàng Cầm dài từ 12 đến 46 chữ
vẫn chan chứa cảm xúc và vang âm tính nhạc (Đêm
liên hoan, U gì, Quan họ mở đầu, Tương biệt hành…):
“Nhẩn nha thôi
Ôi dìu nhẹ buông tênh…tang vờ câm
Ai nện xin thương ngầm
gõ hờ đôi
ba tiếng cuối buồn vang âm
Vì tay ải tay ai
chưa nguôi tê mê thầm
Chợt bừng nghìn cây nến đỏ
như sững sờ nghìn tội
biết lội về đâu
cho qua cơn thịnh nộ sầu
cụ Tiên chỉ già tuổi tình cạn kiệt
tóc
héo bưng đầu
lùi
lũi tiếc thời xa
khua gậy cùn rập mấy thời sau
Tơ
xanh ngây ngây đêm sông Cầu
Em anh
giờ lẩn trốn bụi bờ đâu.”
(Hội chen Nga Hoàng)
Câu thơ tự do gần giống với văn xuôi nhưng không phải
là câu văn xuôi bởi nó giàu tính thơ, chất nhạc.
Vận dụng sáng tạo thủ pháp lặp lại cấu trúc (một phần
hoặc toàn bộ) câu thơ và kiểu vắt dòng mới mẻ. Hoàng Cầm kiến tạo câu thơ mượt
mà về âm điệu và hình ảnh lung linh cảm xúc gợi lên những chuỗi liên tưởng kép bất
ngờ, thú vị (Nước sông Thương, Đứa trẻ,
Trai đời Trần…):
“Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh
(…) Ta con chim cu về gù rặng tre
đưa nắng ấu thơ về sân
đất trắng
đưa mây lành những phương trời lạ về tụ nóc cây rơm”.
(Về với ta)
Sự uyển chuyển
về tiết tấu tạo sự nên giao thoa giữa hai bờ thực và mơ; giọng thơ như lãng
đãng cảm xúc luyến tiếc đến ngẹn ngào:
“Chị lỡ xe hồng
Mẹ đi lấy chồng
Cỗ cưới chênh vênh khoai luộc
Mật vàng mộng rách vỏ nâu non
(…) Khấn thầm gặp chị
Em vẫy nón đầu làng”.
(Đợi
mùa)
Hình thức câu thơ bậc thang rất gợi cảm:
“Bao nhiêu núi đồi Kinh Bắc
dịch sườn thông sang xúm xít
quanh hàng mi nắng động trong hồ”.
(Đèn nhang 2)
Hoặc sự ngắt quảng đột ngột câu thơ như dồn nén cảm
xúc để diễn tả trọn vẹn những tâm tình:
“ Con tắm ao lội ngòi
tồng ngồng đi tìm hoa dại
Không chết đuối không ai hay
Không lạc nhà
mẹ vẫn dành cơm đấy”.
(Đứa
trẻ)
Cấu trúc hình thức câu thơ tự do đầy âm vang, Hoàng
Cầm lấy sức mạnh của nhịp làm nền cho vòng xoáy nhạc điệu:
“Bao giờ về Bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân
xanh”.
(Bên kia sông Đuống)
Như vậy, sự
phong phú tính nhạc trong thơ biến đổi tùy theo sự thay đổi tuyến tính của câu
và dòng thơ. Câu thơ đẹp về âm điệu như:
“Luồn tay ôm say
giấc bay lay đỉnh núi
tuột hàng khuy lơi yếm
tóc buông mành”.
(Thi đánh đu)
Qua quá trình lao động nghệ thuật
cần mẫn Hoàng Cầm mang lại một sức sống mới cho thơ tự do Việt Nam.
Tính giản nở linh hoạt và sự không ràng buộc về luật tắc vần nhịp của thơ tự do
là điều kiện để nhà thơ phô diễn những cung bậc cảm xúc muôn màu, những khoảnh
khắc hứng khởi và biến thái vi diệu trong đời sống tinh thần của con người hiện đại.
2. Thể thơ lục
bát:
Thơ lục bát Hoàng Cầm luôn vận động và phát triển. Tiếp
nhận tinh hoa từ nền thơ ca truyền thống, thơ lục bát của ông vẫn mang âm hưởng
ngọt ngào của ca dao dân ca. Yếu tố trữ tình dân gian cũng khá đậm nét:
“Nhớ em từ một đường khâu
Hai năm vai áo toạc đau xé lòng
Nhớ em từ miếng cơm không
Hai năm bát mẻ đũa còng chia nhau”.
(Ngày giỗ)
“Bao giờ phận xế về em
Nắm tay được mấy hạt đêm Kim Kiều
Mấy là thương mấy là yêu
Mắt trăng thuở ấy mấy chiều đỏ hoe”.
(Mai sau dù có bao giờ)
Mặc dù có những câu thơ lục bát bí hiểm, khó hiểu
nhưng lời thơ lại rất đẹp và mượt mà âm điệu:
“Ánh trăng nhẹ gót sương ngon
Đài hương tím bỗng uốn mình nở rộ”
Hoàng Cầm phá
vỡ cú pháp lục bát truyền thống để sáng tạo lại một hình thức lục bát mới mẽ và
sinh động hơn. Biến hình thức thơ ca uyển chuyển rất nhịp nhàng này thành thể
thơ giàu tính mỹ học và trầm tích năng lượng nghệ thuật.
Nhà thơ đã ngắt dòng câu thơ một cách độc đáo khiến nhịp
thơ rơi rất tự nhiên theo dòng cảm xúc. Câu thơ (6/8) biến hóa linh diệu bởi
cách vắt dòng sáng tạo:
Câu thơ (6/8) vắt thành hai dòng theo nhịp 3/3, 4/4 :
“Miền in thắm
thắm môi tê
Hôn em cạn máu
đi về tận không”.
(Tu)
Câu
thơ (8) vắt thành 3 dòng theo nhịp 4/2/2 và 2/2/4:
-
“Nắng em nắng đến siêu hình
Như môi như mắt
như mình
như không”.
(Nghĩ thương)
-
“Tình cờ đâu triệu triệu năm
Bỗng nằm
bỗng thắm
bỗng chằm hai chân”.
(Thèm)
Hoặc câu thơ
(8) vắt thành 3 dòng nhưng lại theo nhịp 3/3/2:
“Tôi về nhặt lá đáy khe
Ném lên cao
lặng mình nghe
thật người”.
(Tu)
Thơ lục bát Hoàng Cầm giàu giá trị tạo hình. Bài thơ có
hình thức giống bức tranh hội họa của trường phái ấn tượng mà chất liệu chính
là ngôn từ nghệ thuật, kiểu như:
Viết
trong quán cà phê
“Ly cà phê nửa
tỉnh
mê
Từng đôi sớm biết đi về có nhau
Còn em
lãng đãng đi đâu
Anh về
so sẫm
đũa màu
gỗ mun
Chơ vơ riêng chiếc bữa thường
Qua phim hồng hạnh
giọt buồn lọc mau
Ai nhường nửa giọt chung màu
Cho tôi tỉnh táo
khuấy sầu
tan
chăng”.
Bài thơ gồm 8 câu vắt thành 16 dòng. Cách ngắt dòng
đột ngột. Câu thơ bậc thang theo nhịp 2/2/2/2 vắt thành bốn dòng nằm giữa bài
thơ, mỗi dòng như vậy đều mang một nét nghĩa biểu đạt cụ thể. Kiến tạo hình
thức thơ theo kiểu tạo hình ấn tượng
làm xuất hiện các khoảng lặng, không gian trắng trên hình thức thơ lục bát tăng
tính đa âm cho thế giới nghệ thuật. Những câu thơ như run rẩy và buông lơi từ trái
tim của thi sĩ ngân mãi giai điệu bâng khuâng tiếc nuối.
Một
đặc điểm khác của thơ lục bát Hoàng Cầm là nhiều câu hỏi tu từ vang âm trong
cấu trúc khuôn nhịp bài thơ. Với mục đích là vừa tạo điểm nhấn ngữ điệu vừa có
tác dụng chống lại sự bão hòa và tự động hóa cảm xúc thẩm mỹ ở người đọc.
Trong
thơ lục bát câu hỏi tu từ luôn tạo hiệu ứng nghệ thuật và gây ảo giác cảm xúc. Cho
nên nỗi nhớ thường trực trong thơ như miên man đi vào cõi vô cùng của miền mộng
tưởng: “Em ngồi đâu? Chị đứng đâu/ Bỗng
dưng hai đứa hai đầu hư không/ (…) Em chìm chưa? Chị nổi chưa/ (…) Em mê ru?
Chị mộng du? (…) Em về chưa? Chị đến chưa?”... (Gọi đôi); “Em đi lâu thế? về
đâu?/ Sao đi xa thế? bao lâu em về? (Thể phách tinh anh).
Dưới
ngòi bút tài hoa của thi sĩ thể loại thơ lục bát đã kết tinh những giá trị mĩ
học mới.
***
Hoàng
Cầm là nhà thơ tình lãng mạn nổi tiếng của văn học Việt Nam trong thế kỉ XX. Qua việc giải
mã hình thức thơ chúng ta có thể khái quát rằng; thơ ông có sự kết hợp hài hòa
giữa mỹ học truyền thống với mỹ học hiện đại. Thể hiện một kiểu tư duy thơ độc
đáo in đậm cá tính sáng tạo nghệ thuật. Những cách tân của nhà thơ về mặt hình
thức thơ tự do, lục bát là có giới hạn nhưng đó là đóng góp quan trọng có ý
nghĩa thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa
thể loại thơ ca Việt Nam
hiện đại.
Tóm
lại, thơ Hoàng Cầm là một dòng riêng giữa nguồn chung. Đúng như nhà lý luận văn
học James Johnon Sweeney khẳng định: “Sự đóng góp đúng mức của nghệ thuật trong
một thời đại không chỉ là phản ánh chính xác về thời đại ấy, mà phải tạo nên
được những cái mà thời đại ấy còn thiếu”.
Tân
Xuyên, ngày 19 tháng 6 năm 2009
N.T